Ở cơ quan và nhà bạn ai là người trả hóa đơn tiền điện gửi từ EVN? Đã bao giờ bạn tìm hiểu thật kỹ các ý nghĩa và ký tự trong đó chưa? Hay chỉ xem "tổng thiệt hại" rồi thanh toán như một cái máy?
Trong 856,810 cuộc gọi tới tổng đài CSKH của EVN, có tới 42,4% chỉ để tra cứu thông tin hóa đơn tiền điện. Điều đó có nghĩa là phân nửa số người gọi tới không nắm rõ hóa đơn cầm trên tay. Chủ quan mà nói quá nửa người dân không hiểu hết được ý nghĩa các ký tự trong hóa đơn tiền điện chi tiết; Điều này càng đúng hơn với giới chủ, vì họ chỉ duyệt chi tiền điện như một khoản mục đương nhiên hàng tháng phải dùng. Nhiều đơn vị hô hào tiết kiệm điện, hoặc ghi chú "tắt điện khi ra khỏi phòng" thậm chí ghi chú ở nhà vệ sinh như một biểu tượng của tấm gương tiết kiệm điện. Nhưng liệu cách hô hào tiết kiệm vậy có thực sự hiệu quả?
Ta hãy tìm hiểu ma trận giá điện của EVN, xem bên trong có gì, đặc biệt là ta nên làm gì để tiết kiệm điện hiệu quả kể cả khi chưa lắp điện mặt trời mái nhà.
Thứ mà người ta mất công tranh luận tốn nhiều giấy mực là giá điện SINH HOẠT, báo chí nói nhiều rồi. Tôi tập trung phân tích ma trận giá điện EVN dành cho DOANH NGHIỆP để làm rõ bản chất, xem xét đầu tư hệ thống điện và khả năng tối ưu hóa để tiết kiệm điện năng dựa vào cách tính giá điện của EVN.
Về cơ bản, giá điện của EVN có 3 tham số chính tạo nên đơn giá vô cùng khác nhau:
Cấp điện áp mua điện
Càng mua điện ở cấp điện áp lớn hơn thì càng rẻ. Việc này phụ thuộc điểm đo đếm lắp đặt hệ thống đo đếm điện năng trong thỏa thuận đo đếm kèm hợp đồng cung cấp điện của Điện lực. Một nhà máy sản xuất đầu tư trạm biến áp riêng thì được mua điện cấp 22-110kV với đơn giá mua điện rẻ hơn 7-8% so với mua điện hạ thế.
Ngành nghề của chủ hộ tiêu thụ điện
EVN phân ra thành 4 nhóm đối tượng khách hàng gồm: a) Sản xuất, b) Khối hành chính sự nghiệp, c) Kinh doanh Thương mại dịch vụ, và d) Điện sinh hoạt.
Trong đó khối c) Kinh doanh thương mại dịch vụ là được "ưu ái" nhất với khung giờ mua điện bình thường gần 3000đ/kWh, giờ cao điểm hơn 5000đ/kwh điện (có VAT). Khối sản xuất được ưu tiên 2 với giờ cao điểm cho cấp mua điện hạ thế
Để so sánh cho dễ hiểu, nếu bạn cẩn thận ủi một bộ quần áo trong khách sạn 2 lần, mỗi lần 30ph vào giờ cao điểm với bàn ủi công suất 2000W thì tiền điện phải trả là 10,000đ tương đương với một gói xôi.
Khung giờ tiêu thụ điện
Ai phải mua điện theo giờ?
Khối a) sản xuất và c) Kinh doanh thương mại dịch vụ có được cấp điện qua máy biến áp chuyên dùng từ 25 kVA trở lên hoặc có sản lượng điện sử dụng trung bình ba tháng liên tục từ 2000 số/tháng trở lên. Nghĩa là công ty bạn dùng từ khoảng 4-5 triệu/tháng đã là đối tượng mua điện theo giờ, nói cách khác đa số doanh nghiệp sẽ mua điện theo giờ qua công tơ ba giá.
Quy định về khung giờ của EVN cụ thể như sau:
a) Giờ bình thường
Gồm các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy
Từ 04 giờ 00 đến 9 giờ 30 (05 giờ và 30 phút);
Từ 11 giờ 30 đến 17 giờ 00 (05 giờ và 30 phút);
Từ 20 giờ 00 đến 22 giờ 00 (02 giờ).
Ngày Chủ nhật: Từ 04 giờ 00 đến 22 giờ 00 (18 giờ).
b) Giờ cao điểm
Gồm các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy
Từ 09 giờ 30 đến 11 giờ 30 (02 giờ);
Từ 17 giờ 00 đến 20 giờ 00 (03 giờ).
Ngày Chủ nhật: không có giờ cao điểm.
c) Giờ thấp điểm:
Tất cả các ngày trong tuần: từ 22 giờ 00 đến 04 giờ 00 sáng ngày hôm sau (06 giờ).
(Chi tiết biểu giá bán lẻ điện: https://www.evn.com.vn/c3/evn-va-khach-hang/Bieu-gia-ban-le-dien-9-79.aspx)
Vậy là đã rõ, giờ mà chúng ta tập trung làm việc nhất, năng suất cao nhất chính là khung giờ cao điểm. Đó cũng là quy luật xã hội, bởi phần lớn chúng ta đều làm việc cao điểm vào giờ này nên mới thiếu điện sinh ra giờ cao điểm.
Nhưng nếu doanh nghiệp của bạn có giá trị điện năng cấu thành trong giá sản phẩm từ 5-10% mà người quản lý sản xuất không hiểu biểu giá điện theo giờ thì thật là thiếu sót lớn.
Case study về tiết kiệm chi phí điện năng hiệu quả
Hãy xem case study dưới đây, khi tôi tìm hiểu về một doanh nghiệp Thương mại dịch vụ, với giá mua điện hạ thế theo khung cao nhất của EVN và hóa đơn của họ như sau:
Có thể nhận thấy chi phí điện giờ cao điểm của doanh nghiệp lên tới trên 40% tổng hóa đơn, nguyên nhân vì người quản lý sản xuất của công ty này thường có thói quen bật hệ thống sấy sản phẩm (chiếm gần 30% phụ tải) vào 9h sáng đến gần trưa. Sau khi có sự tư vấn, họ chuyển hệ thống sấy sang đầu giờ chiều và điện cao điểm giảm chỉ còn 25% chi phí điện năng, mỗi tháng tiết kiệm 7,5 triệu đồng với tổng công suất không đổi.
Như vậy hiểu được ma trận giá điện của EVN ta hoàn toàn có cách thức thay đổi thói quen làm việc, sinh hoạt để tiết kiệm chi phí điện năng mà không thay đổi công suất tiêu thụ điện. Đó cũng chính là nguyên tắc tiết kiệm của một hệ thống điện mặt trời mái nhà, và kiến thức này sẽ cho ta hiểu rõ hơn bài toán kinh tế của một hệ thống điện mặt trời ở phần sau.
Tags
Tác giả FB Vương Chí Cường
Mobile/zalo 098 868087